Chắc bạn cũng đã từng thắc mắc câu hỏi này rồi đúng không? Là một Designer không từng học qua trường lớp về lập trình. Mình cũng đã mất rất nhiều thời gian để làm quen với các thuật ngữ chuyên môn. Do đó, hôm nay mình sẽ cố gắng phân tích cách dễ hiểu nhất cho các bạn nhé!
Có nhiều cách để tạo ra một website. Tuy nhiên, để website đó hoạt động trơn tru trên internet, chúng ta cần lưu tâm đến 3 yếu tố chính là: Tên miền (Domain), Hosting và Website (Code website). Hãy nhìn hình ảnh dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Nếu nhìn hình, bạn sẽ thấy 3 yếu tố trên như các thành phần của một ngôi nhà. Nếu bạn coi Hosting là phần móng của ngôi nhà thì Website (Code website – mã nguồn) chính là ngôi nhà mà bạn có thể nhìn thấy bao gồm nội thất, ngoại thất và trang trí tiểu cảnh, và Tên miền (domain) chính là cái cổng có địa chỉ để khách bước qua và tiến vào trong ngôi nhà.
Tên miền (Domain name)
Tên miền là gì?
Cũng như mỗi ngôi nhà có một địa chỉ riêng biệt! Mỗi tên miền là địa chỉ đích danh của một website trên môi trường internet. Việc đăng ký tên miền (Domain name) cũng được hiểu giống như việc bạn đi đăng ký sổ đỏ cho ngôi nhà của bạn. Do tính chất duy nhất trên internet, bạn không thể đăng ký được tên miền nếu đã có ai đó đăng ký và sở hữu trước bạn.
Tên miền cấu tạo thế nào?
Hiểu cách ngắn gọn nhất, tên miền được cấu tạo bởi nhiều dãy kí tự ngăn cách nhau bởi dấu chấm (.). Ví dụ: giuseart.com, google.com, facebook.com… (được gọi là tên miền cấp cao nhất) hoặc tuyendung.24h.com.vn, vieclam.zing.vn… (được gọi là tên miền cấp 2).
Các loại tên miền phổ biến
Có 3 loại tên miền phổ biến cần quan tâm là tên miền cấp 1, tên miền cấp 2 và tên miền thứ cấp:
Tên miền cấp 1: là tên miền được đăng ký trực tiếp với nhà cung cấp tên miền. Theo ngay sau phần tên tùy chỉnh là phần đuôi TLD (top level domain) có dạng .com, .net, .org hoặc các ký tự viết tắt được quy ước cho từng quốc gia như Việt Nam (vn), Mỹ (us), Anh (uk), Nhật Bản (jp)… Một số loại tên miền cấp 1 được dùng phổ biến như sau:
– Tên miền .Com (company): Dùng cho các công ty, doanh nghiệp
– Tên miền .Net (Network): Dùng cho các mạng lưới, mạng kết nối, diễn đàn,…
– Tên miền .Info (Information): Dùng cho các website chia sẻ thông tin
– Tên miền .Biz (Bussiness): Dùng trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán
– Tên miền .Org (Organization): Dùng cho các tổ chức, cơ quan đoàn thể
– Tên miền .Edu (Education): Dùng cho các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục
– Tên miền .Gov (Goverment): Dùng cho các cơ quan chính quyền
Tên miền cấp 2: là dạng tên miền do tổ chức quản lí tên miền trong nước quản lí thực hiện việc cấp phát. Tên miền cấp 2 nhìn chung vẫn bao gồm các đuôi mở rộng dùng chung phía trên cộng với đuôi quốc gia. Ví dụ: tenmiencuaban.com.vn, tenmiendep.net.vn…
Tên miền thứ cấp (tên miền phụ): tên miền phụ không thể đăng ký được từ các nhà cung cấp tên miền. Để tạo được tên miền phụ này, bạn phải có quyền quản trị của admin tên miền cấp 1 hoặc cấp 2. Tên miền phụ là tên miền con của tên miền chính và nó có dạng: vieclam.24h.com.vn, tudien.hellochao.vn, suckhoe.zing.vn…
Nếu bạn mới học làm website và chưa có ý định phát triển website lâu dài. Bạn có thể tìm đăng ký một số dịch vụ cung cấp tên miền miễn phí dạng abc.tk, abc.96.lt… mặc dù nó không được đẹp và hơi khó nhớ một chút.
Còn nếu bạn thích cảm giác tự mua tên miền cho mình! Hãy tham khảo ngay bài viết: Hướng dẫn mua tên miền giá rẻ cho người mới bắt đầu học làm website
Code website (Source code)
Website là một hệ thống các thành phần phức tạp. Nó chứa đựng nhiều các trang web con, nhiều hình ảnh, âm thanh, văn bản, video, flash… Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nhìn thấy được khi website hiển thị được thông qua máy chủ (hosting) và tên miền.
Còn thực chất, website được xây dựng nên từ các dòng lệnh (code) mà mình muốn nói ở đây chính là bộ mã nguồn. Mã nguồn là tập hợp các folder và file chứa các dòng lệnh để đáp ứng một thao tác hoặc một sự kiện nào đó cho việc hoạt động của website. Các file này được viết bằng ngôn ngữ lập trình website bao gồm cả database (cơ sở dữ liệu, viết tắt là db). Khi người ta sử dụng một thao tác trên website thì các dòng lệnh này được thực thi để đáp trả lại kết quả cho thao tác ấy.
Có nhiều ngôn ngữ để lập trình website, trong đó, theo mình nhận thấy, có hai ngôn ngữ phổ biến nhất được nhiều người tin dùng tại Việt Nam là PHP và APS.NET
Ngôn ngữ lập trình PHP
Là một ngôn ngữ lập trình được viết chủ yếu cho mục đích phát triển các ứng dụng mã nguồn mở. Nó được cấp phát miễn phí. Do chính cộng đồng phát triển và phổ biến. Ngôn ngữ lập trình PHP được nhận định là một ngôn ngữ rất phù hợp để xây dựng website. Cú pháp đơn giản, nhỏ gọn; tốc độ nhanh. Đặc biệt thời gian xây dựng sản phẩm nhanh hơn các mã nguồn khác. PHP dễ học nhất nên không lạ gì khi nó trở thành một ngôn ngữ lập trình website phổ biến nhất thế giới.
WordPress chính là công cụ mã nguồn mở. Nó là một hệ thống quản trị nội dung được xây dựng dựa trên ngôn ngữ lập trình PHP và hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. Chúng ta cùng tìm hiểu WordPress sâu hơn ở bài viết tiếp theo nhé!
Ngôn ngữ lập trình APS.NET
APS.NET là một nền tảng ứng dụng website được Microsoft nghiên cứu, phát triển và cung cấp. Các nhà lập trình sử dụng APS.NET để tạo website, ứng dụng web hoặc những dịch vụ web. Khác với PHP là mã nguồn mở, APS.NET có thể được coi là một mã nguồn đóng. Bởi vì APS.NET được tạo ra bởi Microsoft nên bạn phải mất một khoản phí không nhỏ để mua công cụ Visual Studio về để lập trình nếu muốn làm việc chuyên nghiệp với ngôn ngữ này.
APS.NET chỉ chạy được trên các máy chủ dùng hệ điều hành Windows. Những năm trở lại đây, giá thuê các dịch vụ hosting windows thường có giá cao hơn nhiều so với các gói hosting linux.
Hosting (Dịch vụ lưu trữ website)
Hosting là không gian lưu trữ dữ liệu và chia sẻ trực tuyến, là không gian trên máy chủ có cài đặt các dịch vụ lưu trữ web, truyền dữ liệu, mail… bạn có thể chứa đựng website hay dữ liệu trên không gian đó.
Hiểu cách đơn giản hơn thì hosting chính là một chiếc USB được cắm vào máy chủ. Chiếc USB đó có thể là môi trường cho website hoạt động, cũng có thể lưu trữ file hoặc email. Chúng ta truyền và nhận dữ liệu vào USB đó thông qua đường truyền internet chứ không phải như copy paste trong HĐH windows.
Ví dụ, bạn có một file ảnh trong máy tính, bạn muốn chia sẻ cho ai đó thì bạn bạn tải file ảnh đó lên mạng, không gian lưu trữ file ảnh đó chính là hosting.
Các thông số cần biết khi đăng ký hosting
Khi các bạn dự định đi mua laptop hoặc PC. Các bạn thường tìm hiểu cho mình nhiều mẫu mã khác nhau với nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau? Bạn cố gắng tìm ra loại máy hợp với mình nhất đúng không? Đi mua hosting cũng thế, các bạn cũng cần quan tâm cấu hình của hosting có đủ để đảm nhiệm cho website của bạn chạy trơn tru được hay không. Vậy, những thông số nào cần lưu ý khi mua hosting:
– Hệ điều hành: Có hai HĐH thông dụng là Windows và Linux. Linux hỗ trợ ngôn ngữ lập trình PHP và các mã nguồn mở, còn Windows chuyên về hỗ trợ lập trình APS, APS.NET và html…
– Dung lượng: Chính là bộ nhớ lưu trữ của host.
– Băng thông: Là dung lượng tập tin tối đa mà website của bạn được phép truyền đi và nhận về/ tháng. Nhiều người truy cập thì dung lượng này tăng lên. Tới mức nhiều người truy cập quá sẽ vượt quá thông số này, website của bạn sẽ đơ luôn đấy. Lúc đó, bạn buộc phải thêm tiền nâng cấp băng thông cho host.
– PHP: Phiên bản PHP hỗ trợ, phần đa hosting giờ đã hỗ trợ PHP phiên bản thứ 7 rồi.
– Ram: Cũng như PC hoặc laptop, bộ nhớ đệm (Ram) khá quan trọng để cho thấy website của bạn có khả năng thực hiện những tác vụ nặng nề hay không?
– Addon domain (tên miền bổ sung): Là số website bạn được phép tạo thêm trên hosting đó nếu còn đủ dung lượng. Mỗi addon domain là một website được phép tạo thêm.
– Subdomain: Số tên miền phụ được phép tạo, là số trang web với tên miền “abc.giuseart.com” được phép tạo ra trên cùng một hosting đó.
– Park domain: Là số tên miền khác nhau cùng trỏ về cùng sử dụng chung code website của bạn. Ví dụ: có thể tạo giuseart.com và giuseart2.com cùng truy cập vào một website của mình.
– Email account: Số tài khoản email được phép tạo. Thường là email kèm tên miền có dạng abc@giuseart.com
– FTP account: Số tài khoản FTP bạn có thể tạo để upload dữ liệu lên đó.
Nên mua hosting ở đâu?
Hiện nay có nhiều nhà cung cấp hosting cạnh tranh nhau nên giá hosting khá rẻ. Tuy nhiên, tùy hình thức thanh toán và cách thức support mà bạn lựa chọn cho mình một nhà cung cấp hosting uy tín để mua.
Lời khuyên hữu ích cho những bạn có ý định đầu tư làm website chuyên nghiệp. Các bạn nên mua hosting của các nhà cung cấp nước ngoài như Hostgator, Godady, Vult… Bên cạnh đó, bạn cũng nên lựa chọn dịch vụ từ một số nhà cung cấp trong nước đang gây được uy tín không nhỏ như Hostvn, Onet, Mắt Bão, Pa Việt Nam…
Tùy vào cấu hình hosting sẽ có những mức giá khác nhau. Thông thường, với nhu cầu của mình, mình thường dùng những gói hosting tầm trung có mức giá vào khoảng 120.000-150.000đ/tháng.
Nếu bạn chưa thực sự hiểu và chưa có điều kiện kinh tế để mua hosting. Bạn có thể tìm đăng ký một số dịch vụ cung cấp hosting miễn phí. Nó sẽ đễ dàng trong việc học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên bạn cần hiểu hosting miễn phí có rất nhiều nhược điểm.
Xem thêm: Hosting miễn phí nào tốt nhất cho nhu cầu học tập và làm web cho người mới.
Lời kết
Như đã trình bày, để một website hoạt động được trên internet, chúng ta cần phải có tên miền, code website và hosting. Các bạn tìm tòi và nghiên cứu 3 thành phần trên thật chắc để những bài viết sau, chúng ta sẽ tiến hành làm website wordpress với lần lượt 3 thành phần trên nhé!
[Bạn đang xem phần 01 trong bộ “Giúp các bạn Graphic Designer tạo website hoàn chỉnh với WordPress“]Bài trước: Giới thiệu Series học làm website WordPress cho Graphic Designer
Bài tiếp: Kinh nghiệm săn tên miền giá rẻ cho người mới bắt đầu học làm website